Hiện nay, việc đọc sách vừa đứng trước cơ hội vì nhân loại được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ; được quyền lựa chọn những thông tin để cập nhật nhưng lại vừa phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn là làm mai một thói quen đọc vốn có bỡi sự hấp dẫn, lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Sinh viên Việt Nam là một tầng lớp xã hội đặc thù, đang trong quá trình định hình nhân cách, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, sinh viên là lứa tuổi có nhu cầu tương đối đa dạng, năng động hơn so với các lứa tuổi khác, dễ tiếp thu cái mới, thích nghi kịp thời với sự thay đổi của xã hội, có nhu cầu hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học… Do đó, nhu cầu đọc sách, báo, tài liệu của sinh viên rất phong phú, đa dạng, đây chính là cơ sở, điều kiện để phát triển văn hóa đọc cho sinh viên. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của mạng internet, sự phát triển của các loại hình văn hóa nghe, nhìn, văn hóa đọc của sinh viên bị tác động, ảnh hưởng rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu tìm đọc của các bạn sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ, nhà trường đã không ngừng mở rộng, tăng cường trang thiết bị, đa dạng, hiện đại hóa dịch vụ thông tin thư viện, hình thành môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên. Số lượng giáo trình, tài liệu, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của sinh viên. Trường Đại học Sao Đỏ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc, góp phần nâng cao nhận thức cho sinh viên về vị trí, vai trò của việc đọc, xây dựng cho sinh viên thói quen đọc mỗi ngày. Nhà trường đã phát động phong trào “Mỗi tuần một cuốn sách” đến toàn thể sinh viên, giảng viên trong nhà trường, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho giảng viên và sinh viên. Sinh viên có xu hướng lựa chọn sách, báo, tài liệu có nội dung phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình. Ngoài ra, nhiều sinh viên đã tích cực tham gia các lớp đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có tìm kiếm thông tin, khai thác thông tin để nâng cao kỹ năng đọc. Gần đây nhất Trường Đại học Sao đỏ đã long trọng tổ chức cuộc thi sách với chủ đề “Nâng cánh ước mơ” Chào mừng ngày Sách Việt Nam (21/4), hoạt động đã giúp cho sinh viên có sân chơi để trải nghiệm thử sức và thể hiện năng lực của mình, góp một phần nào đấy giúp sinh viên có thể biết thêm nhiều cuốn sách và đưa cuốn sách đó giới thiệu đến nhiều bạn trẻ. Một góc học tập của sinh viên trong thư viện trường Đại học Sao Đỏ
Sách là một nguồn tri thức bất tận của nhân loại, là liều thuốc tinh thần chữa lành những vết thương khi bạn gặp phải một vấn đề gì đó trong cuộc sống. Vì thế, đọc sách là một hành trình vô cùng ý nghĩa đối với tất cả mọi người. Đặc biệt đối với giới sinh viên thì công cuộc này càng quan trọng hơn nữa. Thế nhưng những giá trị ảo trong thế giới thực đã làm lu mờ đi nhận thức của sinh viên trong việc đọc sách. Đối với sinh viên, đọc sách là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong hành trình hoàn thiện bản thân và trau dồi những kỹ năng cần thiết. Không những nên đọc những cuốn sách chuyên ngành để cung cấp, bổ trợ cho công việc. Sinh viên cần đọc thêm những cuốn sách về đời sống để nâng cao tư duy và khả năng ứng biến với những tình huống cụ thể. Nói chung nguồn tri thức từ sách vở vô cùng quan trọng, vì thế nên rèn thói quen đọc hằng ngày để không phí những điều hữu ích từ sách mang lại. Tuy nhiên thực trạng đọc sách của sinh viên hiện nay lại có phần đi xuống. Nhiều sinh viên vẫn không có một phương pháp đọc sách khoa học dẫn đến dễ chán nản và không mang lại hiệu quả cao trong hành trình chinh phục những tri thức từ sách. Vì vậy mỗi cá nhân chúng ta cần cân đối giữa việc đọc sách và làm những công việc khác vì đọc sách thật sự rất cần thiết đối với mỗi người chúng ta.
Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy hiệu quả việc đọc sách của sinh viên
Để nâng cao hiệu quả của quá trình đọc sách, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong việc đọc sách, họ phải là những người tiên phong đến với thư viện để trước hết hình thành cho bản thân thói quen đọc sách đồng thời là hình mẫu khơi dậy niềm đam mê đọc sách của sinh viên. Cán bộ, giảng viên phải hướng cho sinh viên kỹ năng đọc sách, biết cách chọn đọc những trang sách cần đọc liên quan đến bài giảng; giảng viên buộc sinh viên phải đọc tài liệu, sách để làm bài tiểu luận, khóa luận,… thì thói quen đọc sách của sinh viên sẽ dần được hình thành, phát triển. |
Tác giả bài viết: Vũ Thị Thanh Uyên - DDK12 May
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn