KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN XIN VIỆC

Thứ tư - 15/12/2021 08:39
Khó khăn lớn nhất của một bạn sinh viên mới ra trường và đang tìm việc làm chính là chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn cùng kỹ năng giao tiếp để trả lời phỏng vấn một cách thông minh và hiệu quả nhất. Sau đây là chia sẻ 7 kinh nghiệm phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường thành công.
1. Ứng tuyển vào các vị trí thích hợp
Nhìn chung, sinh viên mới ra trường thường có điểm yếu là thiếu sót về mặt kinh nghiệm. Vì vậy, bạn không nên vội vàng ứng tuyển vào các vị trí quản lí, nhân viên cấp cao mà hãy bắt đầu từ những công việc cho sinh viên mới ra trường. Đó là những vị trí tuy thấp, mức lương và đãi ngộ chưa cao nhưng phù hợp với một người thiếu kinh nghiệm. Bạn có thể bắt đầu bằng các công việc thực tập hoặc các vị trí nhân viên để tích lũy kinh nghiệm. Việc ứng tuyển vào các vị trí thích hợp trước hết là để đảm bảo bạn được gọi đi phỏng vấn thay vì bị loại từ vòng CV (Curriculum Vitae - Sơ yếu lý lịch).
2. Chuẩn bị kỹ và đọc lại CV
Khi bạn đã tìm được vị trí ứng tuyển phù hợp, việc tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị một CV xin việc cho sinh viên mới ra trường. Thông thường, tùy vào từng vị trí ứng tuyển, bạn nên có những CV khác nhau để nộp cho từng vị trí khác nhau. Vì thế, hãy đọc lại CV bạn đã nộp cho vị trí tương ứng, ghi nhớ những gì mình đã viết trong CV để tránh tình trạng khi nhà tuyển dụng hỏi về một điều nào đó trong CV mà bạn lại chưa chuẩn bị trước. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn CV bản cứng để mang theo trong buổi phỏng vấn. Điều này thể hiện bạn có sự chuẩn bị kỹ càng. Đây là một trong những kinh nghiệm xin việc cho sinh viên mới ra trường mà không phải ai cũng biết.
Vân1

3. Tìm hiểu thông tin về công ty ứng tuyển
Một số sinh viên mới ra trường thường “rải” CV tới nhiều công ty và khi được gọi đi phỏng vấn, các bạn lại quên mất việc tìm hiểu thông tin về công ty tuyển dụng. Nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi “Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?”, nếu không trả lời được hoặc trả lời quá sơ sài, bạn sẽ bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, họ sẽ cho rằng bạn chưa có thái độ coi trọng và mong muốn thực sự vị trí ứng tuyển.
4. Luyện tập trước các câu hỏi phỏng vấn 
Thông thường, bên cạnh các câu hỏi mang tính chuyên môn, các nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi chung phổ biến như giới thiệu về bản thân, điểm mạnh điểm yếu của bạn là gì và vì sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này… Bạn có thể tham khảo các câu hỏi phổ biến và tập trả lời trước khi vào buổi phỏng vấn. Ví dụ, bạn có thể đứng trước gương và tập giới thiệu về bản thân sao cho thật ấn tượng hoặc tìm hiểu trước về cách “deal” (thỏa thuận) lương cho sinh viên mới ra trường để tránh bối rối khi được hỏi về chế độ đãi ngộ mong muốn. Việc luyện tập trước các câu có thể giúp bạn bớt “run” và chủ động hơn trong buổi phỏng vấn.
5. Đến sớm hơn giờ phỏng vấn
Đến đúng giờ là đến muộn, hãy đến sớm hơn buổi phỏng vấn ít nhất 10 phút. Khoảng thời gian đến sớm hơn vừa là dự phòng cho các sự cố ngoài ý muốn như hỏng xe, tắc đường… vừa là thời gian bạn đến trước, chuẩn bị tinh thần bình tĩnh và thậm chí là nghe ngóng xem các ứng viên trước đã được hỏi những câu gì, nội dung buổi phỏng vấn ra sao.
6. Ngôn ngữ cơ thể
Trong buổi phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường, có khá nhiều bạn trẻ tỏ ra bối rối, tay chân thừa thãi, xoắn gấu áo hoặc bấm khớp ngón tay… Tất cả những hành động đó đều đang “tố cáo” sự lo lắng, sợ hãi của bạn. Điều này có thể không phải điểm trừ vì các nhà tuyển dụng có thể thông cảm cho các bạn mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm nhưng tuyệt đối không phải điểm cộng trong mắt người phỏng vấn. Các nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy rất thiện cảm nếu bạn nhìn bao quát mọi người phỏng vấn, nở nụ cười thân thiện, các hành động nhỏ như kéo ghế, đặt túi xách… dứt khoát, tự tin. 
van 3

7. Tận dụng những lợi thế của sinh viên mới ra trường
Trái với suy nghĩ của nhiều sinh viên mới ra trường khá tự ti vào vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình, người mới tốt nghiệp có nhiều lợi thế hơn bạn tưởng. Hãy biết tận dụng lợi thế, chỉ ra cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm của sinh viên mới ra trường, để họ thấy việc thuê bạn không phải là một khoản tiền mất đi mà là một khoản đầu tư sẽ sinh lời. Các bạn có thể thuyết phục họ rằng, bạn thiếu kinh nghiệm nhưng lại có tinh thần học hỏi, chỉ cần được đào tạo bạn sẽ làm được việc và mức lương yêu cầu lại không cao, bạn thích nghi nhanh hơn với công nghệ, với những điều mới mẻ… Việc hiểu được lợi thế của mình sẽ giúp bạn dễ dàng thành công hơn trong các buổi phỏng vấn.
Ai cũng từng là người mới, là người non nớt, thiếu kinh nghiệm trước khi trở thành một người thành công, vì vậy đừng quá lo lắng. Hãy vận dụng linh hoạt 7 kinh nghiệm phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường tìm được công việc như ý, tích lũy thêm kinh nghiệm. Chúc các bạn thành công!
 

Tác giả bài viết: Đào Thị Vân - KHCB

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây