Chuẩn bị tốt cho những kỳ thi

Thứ năm - 27/12/2018 15:14
Thời sinh viên của tôi (cách đây đã 10 năm rồi) luôn có câu truyền miệng rằng: “Bốn năm là tám kỳ thi - Học xong đại học còn gì là xuân”. Điều đó chứng tỏ rằng có áp lực không nhỏ đối với sinh viên qua những kỳ thi. Bây giờ, với tư cách là một giảng viên, tôi cho rằng để đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi, sinh viên phải có sự chuẩn bị tốt một số yếu tố sau:
I. Rèn luyện sức khỏe tốt
Vốn quý nhất của mỗi con người là sức khỏe. Có sức khỏe thì mới làm được mọi việc. Việc học hành, đặc biệt là các kỳ thi dồn dập nhiều môn, thì việc rèn luyện sức khỏe là đặc biệt quan trọng. Với lịch thi dày đặc trung bình 3 ngày thi một môn, trong vòng 1 tháng; giờ học, giờ thi có thể là đầu sáng của những ngày đông rét mướt hoặc giữa trưa của ngày hè nóng nực … thì bạn nào mà không rèn luyện tốt sức khỏe thì khó mà trụ được.
Vậy làm gì để có sức khỏe tốt? Theo tôi có một số yếu tố cơ bản như:
- Ăn uống đầy đủ, ngủ đủ 8 tiếng một ngày;
- Lập lịch học tập, nghỉ ngơi hợp lý; biết giải tỏa stress, giải trí phù hợp …
- Tập thể dục thể thao đều đặn.
 
                     Hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường
II. Chuẩn bị tốt kiến thức
Thực sự có sự khác nhau giữa môi trường đại học và môi trường trung học phổ thông. Vì vậy, trước hết sinh viên phải trang bị cho mình kỹ năng học đại học để thích ứng với môi trường học tập mới, phương pháp dạy mới, cách thức thi cử mới …. Dưới đây là một số kĩ năng rất quen thuộc nhưng lại cần thiết và giúp ích rất nhiều cho các sinh viên.
1. Kỹ năng học tập trên lớp:
Đầu tiên là kĩ năng nghe giảng. Hãy rèn luyện cho mình sự tập trung cao nhất khi nghe giảng. Nếu bạn là người dễ bị lơ đãng, hãy ngồi bàn đầu. Tiếp theo là kĩ năng ghi chép. Hãy rèn luyện khả năng viết tốc kí, viết có chọn lọc và khả năng phản biện ngay cả khi đang ghi chép.
2. Kỹ năng tự học ở nhà:
Về không gian, cần tìm một chỗ yên tĩnh, tránh tiếng ồn, tuy nhiên đừng là sự im lặng đến đáng sợ. Về thời gian, bạn nên chọn một thời gian học cố định và tạo cho mình thói quen học theo kế hoạch thời gian đó. Cần có lịch học thật hợp lý, kết hợp giữa học tập và nghỉ ngơi. Dành thời gian làm bài tập đã học trên lớp và đọc trước nội dung bài hôm sau, ghi chép những chỗ cần hỏi giảng viên. Hãy chia sẻ và cùng tìm giải pháp nếu gặp phải những vấn đề khó khăn. Có ý thức học tập là điều mà các bạn sinh viên cần lưu ý.
3. Kĩ năng ghi nhớ tốt:
Hãy rèn luyện cho bộ não, vì nếu không hoạt động não sẽ chết dần. Để có một trí nhớ tốt hãy chọn cho mình những thói quen tích cực như: khi đến trường kiểm tra sách vở, ghi chép tích cực, luôn động não suy nghĩ, không ỷ lại, ghi giấy nhớ, quan sát, … Tuy nhiên, không nên ghi nhớ một cách máy móc phải là nhớ từng câu từng chữ mà là nhớ những ý chính, những khái niệm và kiến thức trọng tâm, có thể liên hệ phát triển ra theo ý hiểu của bản thân.
4. Kỹ năng đọc sách
Đọc sách là kỹ năng không thể thiếu bởi học đại học sẽ phải học rất nhiều. Sinh viên cần tìm cho mình những phương pháp đọc sách nhanh và có hiệu quả. Bạn nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích và tự tìm câu trả lời.
Đọc sách là cách để bạn bổ sung kiến thức, nhưng khi thời lượng có hạn hoặc sách cần đọc quá nhiều thì bạn cần những "tuyệt chiêu" giúp "đánh nhanh rút gọn" mà phải thật hiệu quả: Phân loại tài liệu cần đọc, Tăng "khẩu độ" mắt bằng việc rèn luyện đọc hằng ngày.

Một góc thư viện
5. Kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình
Trên đại học, có một phương pháp giảng dạy rất được khuyến kích là: Giao nhiệm vụ cho nhóm sinh viên, các bạn chuẩn bị tài liệu, chuẩn bị tiểu luận và trình bày trước lớp.  Đây là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Và khi thực hiện, đừng để mình bị lu mờ, hãy chọn một trong ba vị trí sau, sẽ cực kỳ có lợi cho bạn: Nhóm trưởng, thuyết trình, thư ký. Nhóm trưởng: Cái này tuy khó, song sẽ luyện cho bạn cả một kho kỹ năng: Tổng hợp, tập hợp sức mạnh nhóm, kỹ năng lãnh đạo…  Thuyết trình: Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn để lại dấu ấn với thầy cô, bạn bè. Rèn luyện kỹ năng nói, tập hợp đám đông …. Thư ký: Tổng hợp lại tài liệu từ mọi người, biên soạn, chỉnh sửa chúng trước khi nộp, thiết kế slide. Vị trí này giúp bạn rèn luyện tư duy tổng hợp, khả năng viết lách, con mắt thiết kế …. Nên biết rằng điều quan trọng nhất ở đại học không phải là điểm số, mà là những kỹ năng bạn học được. Chính những thứ ấy mới quyết định tương lai của bạn.
 
 
 
Sinh viên làm việc nhóm, thuyết trình trước lớp
6. Kỹ năng chuẩn bị và làm bài thi
Khác với ở bậc THPT, bậc đại học, thường chỉ có thi giữa kỳ và thi cuối kì. Số lượng bài thi càng ít, không có nghĩa là bạn sẽ càng nhàn, mà thực ra là bạn sẽ không có cơ hội “gỡ điểm”, và việc ôn tập cũng không được thường xuyên. Do đó, học ngay trên lớp chính là yếu tố then chốt giúp bạn thành công trong học tập.
- Bước vào kỳ thi, đầu tiên bạn phải xác định các tài liệu liên quan để ôn tập, sắp xếp những gì ghi chép được, hệ thống hóa kiến thức, ước lượng xem cần bao lâu để ôn tập. Chia nhỏ những gì bạn học thành từng phần.
- Phân chia thời gian ôn thi hợp lí. Học nhóm sẽ hoàn thiện những lỗ hổng cá nhân. Hãy tập trung vào những bài học thầy cô nhấn mạnh trong quá trình học trên lớp. Cuối cùng là đừng để nước đến chân mới nhảy. Đa phần cách học của sinh viên hiện nay là bình thường thì “chơi dài”, đến lúc thi thì “cày ngày, cày đêm”. Điều này ai cũng biết là không tốt nhưng không phải ai cũng công nhận. Hãy bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
- Khi làm bài thi, bạn cần đọc qua toàn bộ đề, câu nào dễ làm trước tránh tình trạng sa đà vào câu khó cuối giờ không đủ thời gian trình bày; câu khó mà bạn không thể làm hết được thì có ý tưởng gì bạn vẫn cứ viết ra vì biểu điểm chấm nhỏ đến 0.25 điểm đấy; Một điều mà quá trình coi thi, chấm thi hay gặp là sinh viên chép sai đề bài, điều này là rất đáng tiếc. Ngoài ra, một số bạn quá cẩn thận, khi viết sai một chút là nhất định muốn thay giấy, đây là điều không cần thiết vì mất nhiều thời gian, trong khi chỉ cần gạch bỏ phần sai là được.
III. Chuẩn bị tâm lý, kỹ năng mềm
Thực tế rằng, có nhiều bạn sinh viên đã chuẩn bị rất tốt về sức khỏe, kiến thức trước khi vào phòng thi, nhưng khi vào phòng thi lại luống cuống, không nhớ ra vì quá run, đặc biệt là trong thi vấn đáp. Điều này xảy ra vì các bạn không chuẩn bị tâm lý, thiếu tự tin, bị căng thẳng, hoặc bị áp lực điểm số quá. Để tránh gặp tình trạng này thì các bạn phải rèn luyện tâm lý, kỹ năng mềm: Rèn luyện sự tự tin của bản thân, giữ thái độ lạc quan khi ôn tập và tham dự vào kỳ thi. Hãy luôn tự nhủ rằng bạn có thể làm tốt. Xem xét kỹ nội quy thi để biết rõ cần chuẩn bị công cụ và tâm lý tốt nhất cho từng môn thi. Đến trường thi sớm sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái vì không phải căng thẳng do tắc đường và lo lắng mình sẽ đến muộn ….
            Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị tốt về cả kiến thức, tâm lý, sức khỏe … thì sinh viên sẽ tự tin hơn với các kỳ thi. Và mặc dù không thực hiện hết lời dạy của bố mẹ “học hành chăm chỉ, tham gia đầy đủ tất cả các kỳ thi nhé” thì bạn vẫn là con ngoan, trò giỏi và yên tâm chơi tết với gia đình, bạn bè.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây