Rèn luyện kỹ năng tự học cho tân sinh viên

Thứ năm - 15/08/2019 15:52
Vào đại học, các bạn tân sinh viên được học theo hình thức đào tạo tín chỉ. Do đó, việc tự học của sinh viên là yêu cầu bắt buộc. Để thuận tiện cho việc rèn luyện kỹ năng tự học cho sinh viên, bài viết này xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau:
1. Tạo lập thói quen học tập
     Làm bất kì điều gì bạn cũng cần có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng như một thói quen. Chỉ khi hình thành thói quen, bạn mới duy trì để thực hiện nó, học tập cũng vậy.
Tạo cho mình một thói quen học tập, bạn sẽ tránh xa được "căn bệnh" lười biếng mà bất cứ sinh viên nào cũng ít nhất một lần mắc phải. Hãy lên cho mình một lịch học tập khoa học, phân bố thời gian cho từng loại kiến thức… việc học sẽ trở nên "dễ thở" hơn nhiều!
     Mỗi cá nhân khi xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cần phải hiểu rõ mục tiêu và tính toán những bước đi thích hợp. Khi lập kế hoạch cần phải suy nghĩ về những gì sẽ làm, chuẩn bị tốt nhất để đạt được hiệu quả học tập cao và phải đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải làm như thế. Đây chính là quá trình lập kế hoạch học tập, là quá trình lập kế hoạch học cách học, mỗi cá nhân phải tính toán cách thức và thời gian để hoàn thành các công việc.
     Hiện nay, đa số sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập còn mang tính tùy tiện, gặp đâu học đó, chưa hình dung được toàn bộ công việc mình đang và sẽ làm như thế nào. Trong khi đó một khối lượng công việc lớn mà sinh viên phải hoàn thành lại chỉ thực hiện trong một thời gian hạn chế. Vì vậy người học cần phải sử dụng thời gian một cách tiết kiệm và hiệu quả, bằng cách phân phối công việc một cách khoa học, đặc biệt chú ý đến thời gian tự học.
2. Tự tìm kiếm tài nguyên học tập
     Muốn nâng cao kĩ năng bản thân, đừng chỉ học những bài giảng của giảng viên. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm, đào sâu những kiến thức từ sách, tạp chí, blog, trag web… Đặc biệt, trong thời đại internet bùng nổ hiện nay, bạn có thêm rất nhiều nguồn tài liệu phong phú.

 
  
Sinh viên tự học trong thư viện
 
     Tuy nhiên, trước quá nhiều thông tin trên mạng internet hiện nay, không phải ai cũng có kỹ năng tìm kiếm tài liệu nhanh và chính xác. Vì thế bạn cũng cần rèn luyện cho mình kỹ năng chọn lọc thông tin. Việc này chỉ khó khi bạn mới bắt đầu, khi đã quen bạn sẽ dễ dàng tìm được các thông tin cần thiết để bổ sung thêm vào kho kiến thức của mình.
3. Kỹ năng nghe giảng, ghi chép
     Nghe giảng và ghi chép tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách nghe giảng và ghi chép. Để nghe giảng bài tốt, ghi chép tốt cũng cần kỹ năng:
     - Tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi diễn đạt (ghi) theo ý hiểu của mình.
     - Chú ý ghi dàn bài để nhìn được khái quát cấu trúc chung của bài giảng.
     - Tập trung vào những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh qua ngữ điệu, qua việc nhắc lại nhiều lần.
     - Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên đã giới thiệu, vì đây là lúc người thầy hệ thống hóa, so sánh, phân tích... để đi đến kết luận và rút ra cái mới.
     - Khi gặp chỗ khó, không hiểu hãy tạm thời gác lại và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn.
     - Khi bài giảng dừng lại, có thể nêu câu hỏi để đào sâu kiến thức, liên hệ thực tiễn và làm rõ những chỗ chưa hiểu.
4. Kỹ năng làm việc theo nhóm
     Khi trở thành sinh viên, các bạn có rất nhiều cơ hội để các bạn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thông qua các bài tập hay đề tài trên lớp cũng như các hoạt động tình nguyện hay tham gia các CLB. Đây là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.
Sinh viên tự học theo phương pháp làm việc nhóm
Sinh viên tự học theo phương pháp làm việc nhóm
     Để làm việc nhóm hiệu quả, các bạn cần hiểu rõ những điều cơ bản trong hoạt động nhóm:
      - Các thành viên trong nhóm phải trau dồi kỹ năng và rèn luyện tinh thần tự chủ trong học tập. Chủ động và tích cực đóng góp ý tưởng, công sức vào công việc chung của nhóm. Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, học tập kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm.
      - Mọi thành viên trong nhóm cần phải có một sự tôn trọng khi ai đó trình bày quan điểm, ý kiến. Giữa các thành viên với nhau nên có sự động viên, sự khen ngợi khi ai đó làm được gì hay, kể cả các bạn đóng góp ít thì cũng tìm cách khen ngợi khích lệ nhau.
     - Phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm đảm bảo tính công bằng, khuyến khích phát triển năng lực cá nhân, đồng thời có tính hỗ trợ lẫn nhau.
     - Phân chia điểm, quyền lời cho các thành viên nhóm phải đảm bảo công bằng, đúng theo sự đóng góp của từng thành viên, tránh hình thức chia đều, đánh đồng. Để làm tốt điều này, nhóm trưởng và ban quản lý nhóm cần giao nhiệm vụ cụ thể, theo sát quá trình làm việc và kiểm tra kết quả của từng thành viên.
     Hy vọng rằng, với một số kinh nghiệm cơ bản trên sẽ giúp cho các bản tân sinh viên nhanh chóng làm quen với môi trường, phương pháp đào tạo mới, đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập, trang bị được nhiều kiến thức và kỹ năng cho nghề nghiệp, cuộc sống.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây