Với vai trò là giảng viên theo tôi chúng ta cần làm tốt 1 số nhiệm vụ sau:
1. Hiểu sinh viên, quan tâm đến cuộc sống sinh viên
Rời xa vòng tay bao bọc của bố mẹ, bắt đầu cuộc sống tự lập của sinh viên bao giờ cũng có những bỡ ngỡ ban đầu. Trong quá trình tiếp xúc với sinh viên, giáo viên thân thiện, cởi mở, chủ động quan tâm đến sinh viên sẽ giúp sinh viên trở nên tự tin hơn.
2. Thể hiện rõ quan điểm sẵn sàng giúp đỡ sinh viên
Luôn giữ thái độ thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Quan điểm này phải được thể hiện rõ trong mọi tình huống trên lớp, trong giảng đường, các vấn đề trong nhà trường mà sinh viên chưa hiểu, giảng viên bộ môn biết có thể giải thích cho các em, tạo cho các em niềm tin đối với giảng viên trong nhà trường, từ đó xây dựng sự tin tưởng, tự hào khi học tập trong nhà trường.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng dụng cụ thí nghiệm
3. Tạo không khí tích cực trong từng buổi học
Các môn toán lý hóa vốn được coi là các môn học khô khan, trừu tượng, sinh viên đa số các trường khối kĩ thuật đều sợ khi học. Nhiều sinh viên khó tiếp thu với các kiến thức mới 1 phần do các em hổng kiến thức toán, lý, hóa từ cấp 3. Mặt khác chương trình toán lý hóa học trong trường đại học được xây dựng mang tính chất kế thừa và phát triển kiến thức từ cấp 3. Do đó tạo môi trường học tập thân thiện cởi mở, tích cực là rất cần thiết. Hạn chế phương pháp giáo dục theo tính hàn lâm 1 chiều, thầy truyền đạt, sinh viên ghi chép, làm phong phú thêm từng bài học thông qua các kĩ thuật dạy học tích cực, làm cho lớp học luôn vui vẻ.
Sinh viên ĐK9 – TĐH trong giờ thí nghiệm Vật lí
4. Lồng ghép giáo dục động cơ, ý thức học tập cho sinh viên trong từng bài giảng. Nhiều sinh viên không thích và không muốn học các môn toán, lý, hóa 1 phần các em chưa nhìn thấy việc ứng dụng các môn giáo dục đại cương vào trong chuyên ngành của các em. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải làm rõ được vai trò và vị trí nền tảng của các môn giáo dục đại cương đối với sinh viên. Các môn toán lý hóa như nền móng của ngôi nhà, móng càng chắc, thì ngôi nhà lên cao bao nhiêu cũng không sợ đổ. Tuy nhiên, đối với từng bài giảng nếu có ứng dụng trực tiếp vào môn học trong các môn cơ sở ngành, chuyên ngành của sinh viên thì trong quá trình giảng dạy giáo viên làm càng rõ, giới thiệu càng kĩ sự liên quan thì sinh viên càng hứng thú với việc học các môn đại cương. Ví dụ, học về ma trận trong toán sẽ liên quan rất nhiều đến việc chế tạo rô bốt của sinh viên ngành cơ khí sau này…. Các kiến thức về mô men quán tính, phân tích các chu trình trong nhiệt động lực học liên quan nhiều đến chuyên ngành ô tô. Kiến thức về điện từ trường biến thiên đặc biệt có ý nghĩa khi học môn cơ sở ngành phần điện… kiến thức về hóa học liên quan đến vật liệu. Càng chỉ ra được nhiều mối liên hệ giữa các kiến thức khối giáo dục đại cương đến các môn chuyên ngành, sẽ càng thúc đẩy được động cơ học tập của sinh viên. Làm cho sinh viên cảm thấy sự cần thiết thực sự khi học các môn toán, lý, hóa. Đối với một số ngành nếu không chỉ ra được mối liên hệ trực tiếp từ khối kiến thức chuyên môn và đại cương với nhau, có thể cho sinh viên thảo luận, làm việc 1 tiết học nào đó liên quan đến chuyên ngành sinh viên học cũng là một phương pháp thúc đẩy động cơ học tập cho sinh viên. Ví dụ như sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin có thể cho chuẩn bị 1 bài học trên máy để thuyết trình, tính toán trên exel 1 phép tính đơn giản nào đó rồi trình bày trước lớp…
Một tiết học Vật lí đại cương của sinh viên lớp ĐK9 - CNTT
Nói chung, để tích cực hóa các hoạt động của sinh viên đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng tìm tòi đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học cho phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Nếu chúng ta làm việc thực sự với cái tâm của nghề giáo, thì sinh viên sẽ cảm nhận được và học tập theo đúng tâm thế của người học trong thời đại mới. Khi đó việc giảng dạy và học tập của sinh viên sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.