Đất hiếm là loại khoáng sản được nhiều nước trên thế giới xếp vào loại khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các ngành công nghệ cao. Do vậy, nhiều nước trên thế giới coi đất hiếm là vitamin công nghiệp trong thế kỷ 21 và cả thế kỷ 22. Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.
Ở Việt Nam nguồn tài nguyên đất hiếm được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái. Tuy nhiên công nghệ khai thác đất hiếm vẫn là bí quyết riêng của các quốc gia phát triển còn tại Việt Nam vẫn chưa có công nghệ cao để chế biến đất hiếm với quy mô công nghiệp.
Để hiểu thêm về nguyên tố đất hiếm, một số phương pháp tinh chế và ứng dụng của nó thì ngày 7 tháng 4 năm 2017 bộ môn Lý – Hóa đã tổ chức seminar với chủ đề “Nguyên tố đất hiếm và các ứng dụng”.
Trong bài seminar tác giả đã nêu lên những vấn đề tổng quan về nguyên tố đất hiếm, những nghiên cứu sử dụng đất hiếm như chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, chế tạo hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ô tô... Để hiểu rõ hơn về nguyên tố đất hiếm cũng như các ứng dụng của các nguyên tố, tác giả đã chia nội dung seminar thành ba phần: Phần thứ nhất tác giả đề cập đến tổng quan của các nguyên tố đất hiếmvà lịch sử của chúng. Phần thứ hai tác giả đã làm rõ các ứng dụng của nguyên tố đất hiếm trong nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng cũng như trong y tế. Nội dung seminar cũng bàn về thực trạng nguồn đất hiếm và khả năng khai thác đất hiếm tại Việt Nam.
Bài seminar cũng nhận được nhiều đóng góp để hoàn thiện về nội dung và hình thức, là nguồn tài liệu tham khảo cho các độc giả quan tâm đến các nguyên tố đất hiếm.