Dạy học là quá trình tương tác qua lại giữa người dạy và người học. Do đó, quá trình dạy học đạt kết quả tốt khi và chỉ khi có sự tích cực của cả người học và người dạy. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều trường học đang triển khai phương án dạy học online thì việc tăng cường tính tích cực của người học, đánh giá quá trình tự học càng có ý nghĩa hơn. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến một số giải pháp tăng cường tính tích cực của sinh viên trong dạy học trực tuyến. Các giải pháp tăng cường tính tích cực của sinh viên được đưa ra theo từng giai đoạn của quá trình dạy học: Giai đoạn chuẩn bị bài giảng; giai đoạn thực hiện bài giảng; giai đoạn giao nhiệm vụ tự học và đánh giá quá trình tự học. Trước hết, trong quá trình chuẩn bị bài giảng, người giảng viên phải soạn bài chu đáo phải làm rõ trọng tâm và mối quan hệ lôgíc nội tại của mạch kiến thức bài học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giảng viên và sinh viên; chuẩn bị hệ thống câu hỏi phát huy trí lực và phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên. Trong bài giảng, giảng viên phải chuẩn bị các tình huống có vấn đề, các bước hướng dẫn để sinh viên tự giải quyết, tự đưa ra kết luận cần thiết. Ngoài ra, khi chuẩn bị nội dung bài giảng cũng cần có sự phân hóa kiến thức, coi trọng bồi dưỡng học sinh khá giỏi và kiên trì giúp đỡ học sinh học lực yếu kém. Hơn nữa, để tạo hứng thứ học tập cho người học, giảng viên phải chuẩn bị nội dung, hướng dẫn sinh viên liên hệ kiến thức đang học với các bài toán thực tế, có liên hệ liên môn, liên ngành. Mặt khác, để tạo sự sinh động cho bài học, giảng viên có thể lồng ghép các nội dung kiến thức với các dạng trò chơi, cho các thành viên trong lớp có sự cạnh tranh lẫn nhau…. Khi đã có nội dung bài giảng, việc thực hiện bài giảng, nghệ thuật giảng dạy của giảng viên cũng là yếu tố quan trọng kích thích sự tích cực của sinh viên. Trước hết, giảng viên chủ động trong việc sử dụng thiết bị dạy học, học liệu, chủ động sưu tầm liên hệ thực tế, nắm bắt các kỹ năng và kỹ thuật dạy học cần thiết (kỹ năng sử dụng thiết bị, viết bảng, vẽ hình, kỹ năng diễn giải, kỹ năng lôi cuốn chú ý, kỹ năng thao tác mẫu…). Tiếp theo, giảng viên phải tạo được bầu không khí lớp học sôi nổi, tích cực bằng cách: Nêu vấn đề, hướng dẫn gợi mở để sinh viên trao đổi theo từng bước. Để cả lớp tích cực tham gia thì giảng viên có thể yêu cầu sinh viên gửi kết quả theo nhóm chat tới giảng viên, có tính tới thời gian làm bài hoặc thiết kế yêu cầu dưới dạng trắc nghiệm, trò chơi quizizz kết quả có sự so sánh giữa các thành viên trong lớp. Với những bài toán dài, có yêu cầu chặt chẽ về cách trình bày thì có thể yêu cầu sinh viên trình bày cụ thể và chia sẻ (share green), thuyết trình trước cả lớp. Nếu những vấn đề lớn, đặc biệt là các chủ để mở thì giảng viên có thể chia lớp thành các nhóm để sinh viên thảo luận nhóm. Một số kỹ năng trong quá trình giảng dạy như trên sẽ giúp sinh viên luôn chủ động trong quá trình học và tích cực tham gia bài giảng. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Huệ - KHCB
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn