20/11 - NGÀY TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO

Thứ tư - 15/11/2023 08:11
      Mỗi năm, cứ đến tháng 11 hàng triệu học sinh trên cả nước lại nô nức đón chào ngày lễ kỷ niệm 20-11 ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các em học sinh, sinh viên bày tỏ lòng viết ơn đến với các thầy cô giáo, người đã có công dìu dắt, dạy bảo các em nên người. Dân tộc ta có truyền thống: “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển.
      Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời". Quả thật vậy, bao đời nay, nghề dạy học luôn được coi là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Để được xã hội tôn vinh, quý trọng, các thầy cô giáo đã phải âm thầm vượt lên những khó khăn, vất vả của đời thường, dồn hết tâm huyết của mình vào trang giáo án, ép cho mạch ngầm trí tuệ chảy trên trang giấy để từng phút, từng giờ thấm vào trang vở học sinh, thấm vào ý thức tự cường của mỗi công dân trước cuộc đời và tương lai của đất nước. Cả cuộc đời dồn hết chữ "Tâm" vào viên phấn trắng để vạch con đường cho học sinh đến với tương lai. Cả cuộc đời trau dồi ngôn ngữ, lựa chọn thanh âm để dần dần chạm khắc vào cõi tâm linh của mỗi con người, chạm vào cõi sâu thẳm của trí tuệ để làm bật lên cái rung cảm mãnh liệt trong tâm hồn mỗi học sinh, làm lóe sáng lên cái thần, cái thế, cái lung linh huyền ảo và cái đích của nhiều ngả đường trong từng bài giảng. Cả cuộc đời trau chuốt chữ "Nhân" để làm sáng thêm cho chữ "Nghề" và rạng rỡ cho chữ "Nghiệp". Cả cuộc đời bình dị mà sáng trong, thiêng liêng nhưng rất đỗi đời thường. Cả cuộc đời chỉ có viên phấn trắng với bảng đen đã làm nên những bài ca làm rung động lòng người, làm khao khát cháy bỏng hàng triệu con tim.
Thời gian cứ dần trôi, bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng, những vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt theo năm tháng, nhưng tâm huyết muốn đem tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn, miệt mài với việc đưa đón khách qua sông và thầm gửi gắm theo bước chân người khách ấy bao nhiêu hy vọng và cả kỳ vọng "Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa/Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược/Khách sang sông tiếp hành trình phía trước/Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…". Trên những chuyến đò ấy, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đôi khi gặp sóng gió, khó khăn, trở ngại, nhưng con đò vẫn cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm, bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến tương lai.
Nói đến thầy giáo là nói đến con người trí tuệ, giàu lòng nhân ái, khoan dung độ lượng. Từ lâu, vai trò, vị trí của người thầy đã được nhân loại thừa nhận và đánh giá rất cao trong xã hội. Nhà hiền triết - thi hào Tago - người Ấn Độ đã từng nói: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ". Câu nói đó như một chân lý sống cho mọi quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, xứ sở của truyền thống "Tôn sư trọng đạo" thì lại càng có ý nghĩa to lớn và sâu sắc vô cùng. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và coi trọng chữ nghĩa. Sự học là vô bờ bến, từ thuở ấu thơ cho đến khi lập thân lập nghiệp vẫn học, đói vẫn học, khổ vẫn học, khó khăn cũng học, vì vậy những câu tục ngữ: "Người không học như ngọc không mài", "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học", "Một kho vàng không bằng một nang chữ" là cơ sở cho những ứng xử theo tinh thần tôn sư trọng đạo của nhân dân đối với người dạy học. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" qua hàng ngàn năm đó đã hình thành nên phương pháp sư phạm một chiều, đặc trưng cho xã hội học tập phong kiến mà ngày nay ta gọi là phương pháp "sư phạm quyền uy". Dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận rằng phương pháp "sư phạm quyền uy" là nhân tố cốt yếu tạo nên một nền giáo dục truyền thống rất hiệu quả, đã đào tạo được nhiều hiền tài, nhân tài trị nước, cứu nước, tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc. Phương pháp sư phạm truyền thống đó đã tạo nên kỷ cương tuân phục tuyệt đối của trò đối với thầy và thể hiện sự trong sáng trong quan hệ thầy trò, một nét đẹp văn hóa đã được hình thành và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Ngày nay, phương pháp "sư phạm quyền uy" đã không còn thích hợp nữa, mà thay vào đó là phương pháp "sư phạm hợp tác", lấy người học làm trung tâm và biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người hướng dẫn học trò trong quá trình học tập.
      Nghề dạy học gắn liền với cái đẹp của con người đích thực mà xã hội nào, thời đại nào cũng cần vươn đến. Đó là cái đẹp của giá trị "Chân - Thiện - Mỹ", của hai phạm trù nhân cách là cái "Tâm" và cái "Tài" ở mỗi con người. Trong xã hội hiện đại đang phát triển như vũ bão, khoa học công nghệ hiện đại và lượng tri thức sản sinh gấp bội hàng ngày; nếu thầy không yêu nghề, không hết lòng, hết sức vì học trò, biết nâng tầm bản thân và sự nghiệp thì tất yếu vai trò người thầy đứng trước nguy cơ tụt hậu. Điều đó còn ảnh hưởng đến tri thức của trò và nền giáo dục nói chung. Có thể xã hội ta còn thiếu những điều kiện cần thiết cho thầy nhưng trước hết khi người thầy biết động viên học trò vươn lên thì thầy cũng phải "vượt lên chính mình". Kết thúc bài viết này, tôi mượn lời nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) nói về nghề giáo: "Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt".

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Luyên - DK13-QTKD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây