Chòm sao Anh Tiên - Vị anh hùng vĩ đại

Thứ năm - 21/09/2023 08:09
      Chòm sao Anh Tiên (Perseus, the Hero)
      Vào khoảng giữa tháng Tám hàng năm, những người yêu thích thiên văn học hay đôi khi chỉ là một ai đó thích cảm giác được đắm chìm vào bầu trời, sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp vào ban đêm khi trận mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) đạt cực đỉnh. Trận mưa sao băng này được đặt tên theo chòm sao Anh Tiên, hay còn được biết đến với cái tên Perseus, vì nếu như quan sát kĩ càng thì bạn sẽ trông thấy như là các vệt sao băng đều xuất phát từ một điểm trên bầu trời thuộc về chòm sao này.
      Anh Tiên là một trong những chòm sao lớn nhất ở thiên cầu Bắc và thường dễ quan sát nhất vào khoảng ban đêm của tháng 10 và 11. Chòm sao này lần đầu tiên được ghi chép bởi nhà thiên văn học Ptolemy vào khoảng thế kỉ thứ 2.
 
perseids
Mưa sao băng Anh Tiên trên nền Dải Ngân Hà vào ngày 12/8/2023
tại White Desert National Park, Ai Cập. (Credit: Osama Fathi)

 
      Một vài thông tin thú vị
      Chòm sao Anh Tiên có kích thước lớn thứ 24 trên bầu trời đêm, chiếm một diện tích khoảng 615 độ vuông trên bầu trời, nằm ở góc phần tư thứ nhất của thiên cầu Bắc và có thể được quan sát ở những nơi có vĩ độ -35° cho đến Bắc Cực +90°. Các chòm sao lân cận có thể kể đến như: Tiên Nữ (Andromeda), Bạch Dương (Aries), Ngự Phu (Auriga), Lộc Báo (Camelopardalis), Tiên Hậu (Cassiopeia), Kim Ngưu (Taurus) và Tam Giác (Triangulum).
PER
Bản đồ sao của chòm sao Anh Tiên (credits: IAU và Sky&Telescope magazine)
      Chòm sao này được đặt tên theo một vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Perseus (/ˈpɜːrsiəs/). Trong tiếng Anh nó cũng được biết đến như "the Hero" hoặc phiên âm sang tiếng Hán Việt là Anh Tiên. Dạng sở hữu cách được viết là Persei (/ˈpɜːrsiaɪ/), khi đặt tên cho các ngôi sao ở trong chòm sao này. Ký hiệu viết tắt của chòm sao là “Per” được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào năm 1922. 
      Chòm sao Anh Tiên cũng thuộc một nhóm các chòm sao gọi là “Perseus family” cùng với các chòm sao: Tiên Nữ (Andromeda), Ngự Phu (Auriga), Tiên Hậu (Cassiopeia), Tiên Vương (Cepheus), Kình Ngư (Cetus), Hiết Hổ (Lacerta), Phi Mã (Pegasus) và Tam Giác (Triangulum).
      Một vài vật thể sâu thuộc chòm sao này có thể kể đến như M34 (NGC 1039), Double Cluster, tinh vân phát xạ California (NGC 1499) và tinh vân hành tinh Little Dumbbell (M76, NGC 650 và NGC 651). Mirfak (Alpha Persei) là ngôi sao sáng nhất với độ sáng biểu kiến là 1.79. Có 8 ngôi sao nằm trong chòm Anh Tiên có tên gọi chính thức: Algol (Beta Persei), Atik (Zeta Persei), Berehynia, Menkib (Xi Persei), Miram (Eta Persei), Mirfak (Alpha Persei), Misam (Kappa Persei) và Muspelheim.
      Quan sát chòm sao Anh Tiên
      Tại thời điểm cực đỉnh của trận mưa sao băng Anh Tiên (tức khoảng giữa tháng 8 hàng năm), chòm sao này sẽ bắt đầu mọc ở hướng Đông Bắc từ sau nửa đêm khi quan sát từ Việt Nam. Các bạn có thể quan sát chòm sao này sớm hơn vào những tháng tiếp theo chẳng hạn vào tháng 10, Anh Tiên sẽ bắt đầu mọc khoảng 7 giờ tối. Ở một nơi thoáng đãng tránh xa ánh đèn của thành phố các bạn có thể dễ dàng nhận ra cấu trúc của chòm sao này với ngôi sao sáng nhất Mirfak nằm ngay chính giữa. 
perseus
Chòm sao Anh Tiên (Perserus) được mô phỏng bởi phần mềm Stellarium tại thời điểm 12h30 ngày 14/8/2023,
chúng ta có thể thấy bên cạnh còn có các chòm sao đặc trưng như Tiên Hậu (Cassiopeia),
Tiên Nữ (Andromeda), Tam Giác (Triangulum) và cụm sao Thất Nữ (Pleiades).

 
      Chòm sao Anh Tiên có thể được nhận ra từ hình dạng đặc thù của nó tạo thành một đoạn nối các ngôi sao được gọi là "Segment of Perseus", bắt đầu từ sao khổng lồ vàng Miram đến Gamma Persei rồi Mirfak cho đến Sigma, Psi, Delta Persei nằm ở trung tâm của chòm sao. Đoạn sao này có thể dễ dàng được tìm thấy bằng cách đi theo một đường thẳng tưởng tượng từ hai ngôi sao Gamma Cassiopeiae (nằm ở trung tâm nhóm sao chữ W của chòm sao Tiên Hậu) đi qua Ruchbah (Delta Cassiopeiae, góc dưới bên trái của chữ W). 
      Hoặc chúng ta cũng thể tìm được ngôi sao Mirfak bằng cách dùng các ngôi sao thuộc chòm sao Tiên Nữ và Phi Mã. Mirfak nằm trên đường thẳng nối dài bắt đầu từ ngôi sao Alpheratz (nằm ở góc của mảng sao hình vuông "Great Square of Pegasus") đến Mirach và Almach đều thuộc chòm sao Tiên Nữ.
      Ngoài ra chòm sao Anh Tiên còn được bao quanh bởi các mảng sao dễ dàng nhận biết như: chữ W của chòm sao Tiên Hậu về hướng Bắc, hình lục giác của chòm Ngự Phu về hướng Tây với ngôi sao sáng Capella hay là cụm sao Thất Nữ về hướng Nam và chuỗi 3 ngôi sao sáng thẳng hàng của chòm sao Tiên Nữ về hướng Đông.
     Truyền thuyết
       Chòm sao Anh Tiên đại diện cho vị anh hùng Hy Lạp Perseus trên bầu trời và là một trong 6 chòm sao gắn liền với thần thoại về vị anh hùng này. Perseus là con trai của công chúa Danaë, con gái vua Acrisius, vị vua trị vì Argos (một vương quốc ở Hy Lạp thời cổ đại). Sau một lời tiên tri về việc Acrisius sẽ chết dưới tay của cháu mình, ông ta đã nhốt Danaë vào ngục tối. Zeus, vị thần tối cao của đỉnh Olympus, đã phải lòng cô và hóa thân thành một cơn mưa rào bằng vàng xuyên qua ngục tối và khiến Danaë mang thai. Khi biết được rằng con gái mình đã có thai và hạ sinh Perseus, ông ta liền nhốt cả hai mẹ con vào một chiếc cũi gỗ rồi ném ra ngoài biển.
      Danaë cầu xin thần Zeus cứu lấy mẹ con mình và ông đã nghe thấy lời khẩn cầu của cô. Một vài ngày sau chiếc cũi dạt vào bờ biển, hai mẹ con được một người đánh cá tên Dictys tìm thấy và cưu mang, ông đã nuôi lớn Perseus như con trai của mình. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Dictys có một người anh trai, là vua Polydectes, ông ta muốn Danaë làm vợ của mình. Từ khi còn nhỏ, Perseus đã khiến người dân Argos kinh ngạc với sức mạnh thể chất và lòng dũng cảm của mình, và vua Polydectes cũng không ngoại lệ. Perseus muốn bảo vệ mẹ của mình khỏi nhà vua và Polydectes đã lên ý tưởng cho một kế hoạch khác nhằm loại Perseus khỏi cuộc chơi. Ông ta bịa ra một câu chuyện rằng mình sẽ kết hôn với công chúa Hippodamia, con gái vua Oenomaus của Elis, và yêu cầu người dân phải cống nạp một con ngựa coi như quà cưới. Và tất nhiên Perseus không có gì trong tay cả, không có ngựa và tiền mua ngựa cũng không. Thay vào đó, vị vua đã yêu cầu chàng trai trẻ mang về cho ông ta cái đầu của Gorgon Medusa.
      Medusa là một trong ba chị em Gorgon bao gồm cả Stheno và Euryale, là con gái của hai vị thần biển cả Phorcys và Ceto, họ có răng nanh, tay bằng đồng thau, đôi cánh vàng và khuôn mặt phủ đầy vảy rồng. Và đặc biệt là ánh nhìn của họ có thể biến bất cứ ai nhìn vào nó hóa đá. Khác với hai người chị em có khả năng bất tử của mình, Medusa thì không được như thế. Tuy nhiên, cô lại là một người phụ nữ rất xinh đẹp, đặc biệt là với mái tóc của cô và nó đã khiến Poseidon để ý. Cô đã bị hãm hiếp bởi Poseidon ngay trong đền thờ của Athena, vì sự báng bổ này, Athena đã giáng một lời nguyền lên cả ba chị em và biến họ thành các Gorgon, riêng Medusa có mái tóc rắn, điều khiến cô khác biệt với hai Gorgon khác.
Polydectes nghĩ rằng Perseus sẽ chết trong khi cố gắng giết các Gorgon, tuy nhiên ông ta không thể ngờ đến rằng Perseus còn có những đồng minh trên đỉnh Olympus. Athena đã tặng cho vị anh hùng chiếc khiên bằng đồng có khả năng phản chiếu, Hephaestus làm cho anh một thanh kiếm bằng kim cương cực kì cứng, Hades tặng một chiếc mũ tàng hình và Hermes cho anh một đôi giày có thể bay. 
      Được sự giúp đỡ của các vị thần, Perseus lên đường tìm các Gorgon trên đỉnh núi Atlas, ở đây anh đã gặp các chị em của Gorgon được gọi là Graeae, chúng được giao nhiệm vụ gác cổng và chỉ một con mắt được chia sẻ bởi cả ba. Perseus biết được điều này và đánh cắp con mắt và buộc các Graeae phải cho anh đi qua và chỉ đường cho mình. Theo dấu của những bức tượng bị hóa đá bởi Medusa và chị em của mình, Perseus đã tìm thấy các Gorgon. Nhân cơ hội họ đang ngủ, Perseus đội chiếc nón tàng hình và mang đôi giày bay nhẹ nhàng tìm đến Medusa. Anh dùng chiếc khiên của mình để ngăn ánh nhìn đầy sát khí từ Medusa và dùng thanh kiếm adamantine chặt đầu Medusa. Trong lúc đó, Medusa cũng đang mang thai con của Poseidon và chú ngựa bay Pegasus cùng chiến binh Chrysaor được sinh ra từ cơ thể của Medusa. 
Perseus
Chòm sao Anh Tiên đang cầm trên tay đầu của Medusa, trên một bộ thẻ các chòm sao
được phát hành ở Luân Đôn vào năm 1825 (Nguồn: Wikipedia)

      Trên đường về nhà, Perseus đã gặp công chúa Andromeda, một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp. Chuyện kể rằng, nữ hoàng Cassiopeia, mẹ của Andromeda, đã khoe khoang về vẻ đẹp của con gái mình hơn cả các nữ thần biển, Nereids. Các Nereid đã khẩn cầu thần Poseidon trừng phạt Cassiopeia về sự ngạo mạn của mình, Poseidon sau đó đã dâng nước làm ngập cả vương quốc và gửi con quái vật biển Cetus đến để tàn phá. Vị vua Cepheus đã nghe lời nhà tiên tri của mình, trói Andromeda vào một tảng đá để hiến tế cho Cetus. Perseus đã dùng cái đầu của Medusa để hóa đá con quái vật và cứu nàng công chúa, sau đó họ cùng nhau lên đường trở về Seriphos. Khi về đến nơi, Perseus đã tìm gặp sau đó biến Polydectes và lính của hắn thành đá. Anh cũng đề cử cho Dictys là vị vua mới của của Seriphos.
      Không lâu sau, trong một cuộc thi điền kinh, Perseus đã vô tình ném một chiếc đĩa trúng vào Acrisius. Cuối cùng, lời tiên tri cũ về cái chết của vua Acrisius dưới tay cháu mình hóa ra cũng vô tình trở thành sự thật.
      Perseus và Andromeda đã kết hôn và có cho mình nhiều người con, một trong số đó là Perses, được biết đến như là tổ tiên của các vị vua Ba Tư sau này.
      Chòm sao Perseus (Anh Tiên) và Andromeda (Tiên Nữ) nằm ngay cạnh nhau trên bầu trời cùng với bố mẹ cô là chòm sao Cepheus (Tiên Vương) và chòm sao Cassiopeia (Tiên Hậu), gần đó còn có chòm sao Cetus (Kình Ngư), con quái vật biển và cả Pegasus (Phi Mã), chú ngựa bay.
      Chòm sao Perseus thường được hình tượng hóa đang giữ cái đầu của Medusa bằng một tay và thanh kiếm của mình ở phía còn lại. Cái đầu Gorgon được thể hiện bởi ngôi sao biến quang nổi tiếng Algol.
"Để anh kể em nghe
Bầu trời đêm tuyệt nhất
Nơi có nàng Tiên Nữ
Đến cùng chàng Anh Tiên"

Nguồn tin: vatlythienvan.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây