Khoa Khoa học cơ bản - trường ĐH Sao Đỏ

http://khoahoccoban.saodo.edu.vn


Vũ Hữu - Xây cổng thành không thừa một viên gạch

       Câu chuyện toán học về nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam, cũng là một danh thần dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Xây thành trì là một trong những nhiệm vụ quan trọng thể hiện sự kiên cố, vững chãi phồn thịnh của một quốc gia.              
       
Vũ Hữu (1437-1530) quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Không chỉ là đại quan, ông còn là nhà toán học, danh thần đầu triều của vua Lê Thánh Tông.
       Thuở nhỏ, ông không được đi học vì nhà nghèo, nhưng sớm có năng khiếu đặc biệt về toán. Khi ông còn bé, dân làng Mộ Trạch muốn sửa sang mới ngôi đình bị dột nát, các bô lão trong làng lúng túng chẳng biết tính toán làm sao để có thể hoàn thành ngôi đình. Vũ Hữu chỉ cần nhìn qua ngôi đình, lấy que vạch lên đất tính toán, một lát đã xong. Toán thợ làm y theo cách cậu vẽ, quả nhiên đúng khớp cả. Mọi người ngạc nhiên, cho Vũ Hữu là thần đồng.
       Vũ Hữu  là người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng Mộ Trạch dưới triều Lê Sơ, là con thứ ba của cụ Vũ Bá Khiêm, thuộc đời thứ 5 họ Vũ làng Mộ Trạch. Theo sách gia phả họ Vũ ở làng Mộ Trạch ghi lại thì Vũ Hữu sinh năm (1437–1530). Năm Quý Mùi (năm 1463) đời vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Hoàng giáp khi mới 20 tuổi, ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ hộ. Bia khoa Quý Mùi hiện còn ở Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, có tên ông. Tuy là nhà nho, nhưng Vũ Hữu lại đặc biệt say mê môn toán pháp. Ông hệ thống hoá những thành tựu về hình học và số học đương thời, viết thành quyển Lập thành toán pháp, chỉ dẫn cách chia cụ thể và chính xác về cách chia ruộng đất, xây dựng nhà cửa, thành luỹ ...Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước). Đây là quyển sách toán học cổ nhất nước ta.
vu huu 1

       Nói về tài toán học của ông, sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề ghi lại câu chuyện sau: Xưa, vua Lê Thánh Tông muốn thử tài của Vũ Hữu, nên đã giao cho ông sửa chữa ba cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa của thành Thăng Long. Tuân lệnh, Vũ Hữu dùng thước đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng của các cửa thành và tính ra số gạch đá, vật liệu phải dùng. Kết quả là khi xây xong, đá không thừa một tấc, gạch không thiếu một viên, quy mô các cửa thành được sửa chữa không sai một ly, một tấc. Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng đã ban chiếu khen thưởng Vũ Hữu.
       Để ghi nhớ công lao của ông, nhiều nơi đã lập đền thờ, trong đó có nhà thờ Hiển Đức Đường, thuộc làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nơi ông đã sinh ra.
 

Nguồn tin: Intermet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây