Khoa Khoa học cơ bản - trường ĐH Sao Đỏ

http://khoahoccoban.saodo.edu.vn


Khoa Khoa học Cơ bản tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Ngày 22 tháng 4 năm 2019, khoa Khoa học Cơ bản đã tiến hành nghiệm thu đề tài khoa học cấp khoa với hai đề tài 05.KHCN/18-19 “Nghiên cứu chế tạo vật liệu nanosilica ứng dụng chế tạo màng đổi màu” và 06.KHCN/18-19 “Nghiên cứu tính ổn định nghiệm của phương trình vi phân và ứng dụng khảo sát sự ổn định của hệ thống điều khiển tự động”.
Nanosilica là loại vật liệu nano có tiềm năng ứng dụng cao do có ưu điểm: tỷ trọng thấp, bền nhiệt và cơ học và trơ hóa học. Kích thước hạt có vai trò quan trọng trong quá trình ứng dụng vật liệu nanosilica, do đó có nhiều nghiên cứu đã tập trung vào việc giảm kích thước hạt của vật liệu này. Trong đề tài này, nhóm tác giả báo cáo phương pháp nghiên cứu điều chế vật liệu nanosilica từ chất nền là TEOS với các phụ gia xúc tác như etanol, NH3.... Từ nguyên liệu ban đầu là các quả cầu nanosilica nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp tự tổ chức để tạo ra màng photonic kiểu opal có khả năng phản xạ mạnh các bức xạ 408 nm, 442 nm; 457 nm; 522 nm tường ứng với các mẫu có đường kính hạt trung bình 190 nm; 220 nm; 240 nm; 270 nm.
          Đối với bài toán các hệ thống kỹ thuật, hệ điều khiển tự động thì vấn đề đảm bảo cho hệ làm việc ổn định là vấn đề trọng tâm. Mà vấn đề ổn định của các hệ thống kỹ thuật, hệ tự động hóa phụ thuộc vào sự ổn định nghiệm của hệ phương trình vi phân biểu diễn phương trình trạng thái của hệ. Do đó, việc nghiên cứu được lý thuyết ổn định nghiệm của phương trình vi phân sẽ kết luận được tính ổn định, tìm điều kiện ổn định hóa cho các hệ thống kỹ thuật, hệ thống điều khiển tự động.  Vì vậy trong đề tài này nhóm tác giả đã xây dựng các phương pháp đánh giá sự ổn định nghiệm của các dạng phương trình vi phân, và đã mô hình hóa hệ thống kỹ thuật bằng phương trình vi phân, ứng dụng sự ổn định nghiệm của phương trình vi phân để khảo sát sự ổn định của một số hệ thống kỹ thuật.

          Hai đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao về nội dung chuyên môn cũng như khả năng phát triển tiếp, cùng đó Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến đề nghị các nhóm tác giả sửa chữa để đề tài được hoàn thiện hơn.
 

Nguồn tin: Lê Văn Thủy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây