Toán học liên hệ mật thiết với Nghệ thuật
- Chủ nhật - 25/12/2022 15:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người nghệ sĩ Phục Hưng vận dụng toán học không phải chỉ vì muốn tái tạo tự nhiên, khám phá cái đẹp như người Hy Lạp từng làm, mà còn bị ảnh hưởng bởi các nhà triết học Hy Lạp rằng bản chất của thế giới là toán học. Câu nói nổi tiếng của Galileo rằng:” Quyển sách của tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán”.
Toán học được biết là “nữ hoàng” của các môn khoa học, góp phần quyết định cho sự hình thành cuộc cách mạng khoa học phương Tây. Nhưng ít ai biết nó còn có nhiều tác động đến cả văn minh phương Tây, đặc biệt đến nghệ thuật. Khoa học và Nghệ thuật làm cho con người trưởng thành để là thành viên của một xã hội nhân văn. Cái đẹp, thẩm mỹ, cũng là tiêu chuẩn để dựa vào đó con người đi tìm chân lý. Điều này rất phổ biến đối với các nhà vật lý: Nicolas Copernic đề xuất thuyết nhật tâm vì toán học của thuyết này đem lại niềm vui thẩm mỹ cho ông; Kepler cũng lấy tiêu chuẩn thẩm mỹ để đi tìm các định luật hành tinh; Newton tin vào mối quan tâm của Chúa muốn bảo tồn sự hài hòa và vẻ đẹp vũ trụ; thuyết tương đối, phương trình Maxwell, phương trình Dirac,… mỗi thứ đều mang một vẻ đẹp đặc thù.
Toán học có mối liên hệ mật thiết với các ngành khoa học. Nhưng điều ngạc nhiên là hội họa lại có mối liên quan đến toán học. Sự chuyển tiếp từ Trung cổ sang Phục Hưng ở phương Tây đối với ngành hội họa được đánh dấu bằng sự chuyển biến từ không gian hai chiều sang không gian ba chiều mà kết quả của nó là phối cảnh. Đó là giai đoạn chuyển tiếp từ thế kỷ 13 sang 14 trở đi. Những người tiên phong của dòng hội họa mới này là Duccio, Giotto, tiếp theo đó Leonardo (da Vinci), và Durer. Người nghệ sỹ ý thức tính chất khô cứng, thiếu sức sống, và chưa trung thực của thời Trung cổ. Với không gian ba chiều, người ta thấy con người thực bằng xương bằng thịt, thấy thiên nhiên, cảnh vật, đồ vật, chứ không phải chỉ thấy cái bóng của chúng. Phục Hưng là sự trở về con người và tự nhiên, với tất cả vẻ đẹp và tính toàn thể của nó. Nhưng hơn nữa, người nghệ sĩ Phục Hưng vận dụng toán học không phải chỉ vì muốn tái tạo tự nhiên, khám phá cái đẹp như người Hy Lạp từng làm, mà còn bị ảnh hưởng bởi các nhà triết học Hy Lạp rằng bản chất của thế giới là toán học, cho nên thế giới hoàn toàn có thể được giải thích bằng toán học. Đó cũng là nền tảng tâm lý đối với toán học của xã hội Phục Hưng để tiến tới trao cho toán học vai trò khám phá tự nhiên rất quyết định trong các nhà cách mạng khoa học thế kỷ 17, để tạo ra cuộc cách mạng với sức bật vĩ đại này. Câu nói nổi tiếng của Galilei, rằng Quyển sách của Tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán, là đặc trưng cho thái độ đó. |