Khoa Khoa học cơ bản - trường ĐH Sao Đỏ

http://khoahoccoban.saodo.edu.vn


Nguy hại từ việc lạm dụng túi nilong

Túi nilon đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động thương mại dân sinh. Với ưu điểm tiện dụng, bền, giá thành thấp nên túi nilon có mặt hầu như khắp mọi nơi. Do đó số lượng túi được thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt nguy hại hơn khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.
          Theo PGS TS Phạm Gia Điềm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ hóa dược, hóa sinh hữu cơ thì các chất độc trong túi nilong bao gồm chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu,… là chất cực kỳ nguy hiểm. Sau một thời gian tích tụ đủ lượng, chúng sẽ nhanh chóng quay sang tấn công cơ thể con người. Một số loại túi nilon được làm từ chất dẻo polyvinyl có các phân tử đơn lẻ polyvinyl có khả năng gây ung thư như chất clohydric gây tác hại cho não và ung thư phổi.
túi nilong
Hình ảnh một bãi rác rất nhiều túi nilong

          Túi nilon thường được sản xuất, tái chế ở nước ta chủ yếu bằng công nghệ thủ công. Trong quá trình sản xuất, người ta trộn thêm nhiều loại hóa chất để làm tăng độ dẻo và bền của sản phẩm, nhất là với hàng loạt lô hàng túi nilon giá rẻ thì nguy cơ chứa chất độc hại lại gia tăng đáng kể. Sử dụng túi nilon để dựng thực phẩm chua có tính axit như dưa muối, cà muối có thể tạo ra muối thủy ngân gây ngộ độc và ung thư. Tiện lợi thật, nhưng túi nilon là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Có thể thấy rõ điều này khi kiểm tra các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Nhiều hố chôn rác, các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi nilon vẫn không phân hủy. Túi nilon rất khó tái sử dụng và người dân thường dùng một lần là bỏ đi nên lượng thải ra môi trường là không hề nhỏ.
         Để kiểm soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì khó phân hủy (các loại túi nilon)” với mục tiêu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe. Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 1/1/2012 có quy định một số sản phẩm tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu thuế, trong đó túi nilon là một trong những sản phẩm phải chịu mức thuế cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng và thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy gây. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả vẫn là thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng túi ni lon. Chúng ta có thể sử dụng những túi giấy, hộp giấy để đựng chứa thức ăn, vừa thân thiện môi trường, vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe.
 

túi nilong2
          Nhằm mục tiêu xây dựng một môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm, hi vọng rằng mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong chúng ta sẽ có ý thức trách nhiệm cao với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Hạn chế xả, thải những chất độc hại ra môi trường. Có như vậy, chúng ta mới có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái để làm việc và xây dựng tương lai.
 

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng Phương - KHCB

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây