Khoa Khoa học cơ bản - trường ĐH Sao Đỏ

http://khoahoccoban.saodo.edu.vn


SỰ HÌNH THÀNH VÀ TIẾN HÓA CỦA MẶT TRĂNG

Lâu nay, chúng ta luôn biết rằng Mặt Trăng chính là vệ tinh của Trái Đất, liệu đã bao giờ bạn thắc mắc: “Mặt Trăng đến từ đâu?” hay “Nguồn gốc của Mặt Trăng là gì?” và “Mặt Trăng thời kỳ đầu trông như thế nào?” hay không?
Các giả thuyết về sự hình thành của Mặt Trăng
Giả thuyết phân đôi (Mặt Trăng vốn là 1 bộ phận của Trái Đất):
Ở thời kỳ đầu, Hệ Mặt Trời mới hình thành, tất cả các hành tinh đều đang nóng chảy ở nhiệt độ cực kì cao, đồng thời đang tự quay quanh mình với tốc độ vô cùng lớn. Do tác dụng của lực ly tâm quá lớn khiến cho lực hấp dẫn không đủ để giữ các vật chất ở lại, và rồi một bộ phận của các hành tinh bị bắn ra ngoài, hình thành nên những vệ tinh quay xung quanh chúng. Mặt Trăng chính là phần văng ra từ Trái Đất. Tuy nhiên theo tính toán, lực ly tâm của Trái Đất khi mới hình thành chỉ lớn bằng 4 lần so hiện tại, không đủ để đẩy một khối vật chất lớn như Mặt Trăng. Bên cạnh đó, phân tích mẫu quặng từ Mặt Trăng cho thấy thành phần chất đất và hàm lượng nguyên tố của Mặt Trăng rất khác so với Trái Đất. Nên Mặt Trăng không thể là một phần của Trái Đất.
Giả thuyết đồng nguyên:
Mặt Trăng và Trái Đất đều sinh ra từ cùng một đám tinh vân. Các vật chất bao quanh Tiền Trái Đất xảy ra va chạm giữa những phần tử với nhau, nhiều phần tử đã bắt đầu kết dính lại, hình thành vật thể lớn hơn, quá trình này được gọi là quá trình bồi tụ. Mặt Trăng chính là thành quả sau khi bồi tụ. Nhưng thuyết này cũng vấp phải vấn đề về thành phần chất đất và hàm lượng nguyên tố giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Giả thuyết thu nạp:
Nghiên cứu khác lại cho rằng Mặt Trăng đã được hình thành ở đâu đó và cuối cùng bị lực hấp dẫn của Trái Đất “bắt giữ”. Để dễ hiểu hơn, ta hãy hình dung: Lúc ấy, Mặt Trăng chính là một thiên thạch khổng lồ đang trôi nổi trong không gian, khi thiên thạch vô tình đi ngang qua Trái Đất đã chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn và bị chính lực này hút lại gần để biến nó thành vệ tinh của Trái Đất. Và thật vi diệu: Lực hút của Trái Đất và lực li tâm do Mặt Trăng xoay xung quanh Trái Đất lại vô tình cân bằng nhau khiến cho Mặt Trăng không bị hút đâm vào Trái Đất hay cũng không bị văng ra ngoài không gian. Thuyết này đã giải quyết được thành phần chất đất và hàm lượng nguyên tố mà hai thuyết trên đã vấp phải. Tuy nhiên vẫn có phần hạn chế, đó là kích thước và khối lượng Mặt Trăng không kém Trái Đất là bao, muốn hút được mặt trăng là điều không hề đơn giản một chút nào cả!
Giả thuyết vụ va chạm lớn:
Đây là giả thuyết ưu thế nhất cho đến thời điểm hiện tại, Mặt Trăng hình thành là kết quả của sự va chạm sượt qua giữa một vật có kích thước to bằng Sao Hỏa được gọi là tiểu hành tinh Theia. Một phần khối lượng của vật thể này đã sáp nhập vào Trái Đất. Các mảnh vỡ của Trái Đất và Theia được sinh ra do cú va chạm đã bắn vào trong quỹ đạo Tiền Trái Đất để hình thành nên Mặt Trăng qua quá trình bồi tụ.
Sự tiến hóa của Mặt Trăng
Khoảng 4,5 tỷ năm trước, thiên thạch Theia khổng lồ đã đâm trúng Trái Đất của chúng ta. Nhiệt độ do cú va chạm sinh ra đủ lớn để khiến đá tan chảy. Lượng vật chất văng ra ngoài Trái Đất tạo nên một quả cầu nóng đỏ. Dung nham bao phủ bề mặt của Mặt Trăng nguội dần theo thời gian, tạo nên lớp vỏ. Lớp vỏ tồn tại chưa được bao lâu thì một thiên thạch khổng lồ lao trúng cực nam của Mặt Trăng, tạo nên vùng lòng chảo Aitken ngày nay.
Rồi khoảng từ 3,8 đến 4,1 tỷ năm trước, vô số thiên thạch liên tục bắn phá Mặt Trăng. Tàn tích của những vụ bắn phá đó tạo nên biển Mặt Trăng hay cũng chính là những vùng tối của Mặt Trăng. Chúng được gọi là Maria, trong tiếng Latinh có nghĩa là “biển”. Những biển này có suất phản chiếu thấp hơn ở “vùng cao” nên kết quả là chúng xuất hiện dưới một màu tối khi nhìn bằng mắt thường. Đi sau tàn tích còn có những hố Mặt Trăng và những dãy núi đạt độ cao đến 3000m. Số lượng thiên thạch lao vào mặt trăng giảm dần theo thời gian và tạo nên Mặt Trăng ngày nay.
 
Picture7
Quá trình hình thành hố Mặt Trăng thông qua tác động của thiên thạch
 
 

Nguồn tin: thienvandanang.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây