Cuộc đời nhà Toán học Nash Câu chuyện truyền cảm hứng giúp con người vượt qua nghịch cảnh
- Thứ hai - 15/05/2023 08:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
John Forbes Nash Jr. (13/6/1928 – 23/5/2015) có nhiều đóng góp lớn cho khoa học từ trước tuổi 30, rồi chìm sâu trong bệnh tật trong 30 năm sau đó và được trao giải Nobel ở tuổi xế chiều.
1. Một thiên tài Toán học của thế kỷ 20 Nash sinh vào 13/06/1928, ở Bluefield, West Virginia. Jr. John Forbes Nash ra đời trong một gia đình trí thức có cha là kỹ sư điện tử tại Công ty Điện lực Appalachian, mẹ (Marganet) là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng La Tinh. Từ bé Nash đã tỏ ra có năng khiếu toán, cha mẹ cho Nash học chương trình toán cao cấp ngay khi cậu còn đang ở trung học. Nhờ học giỏi, Nash nhận được học bổng của Học viện Công nghệ Carnegie (nay là trường đại học Carnegie Mellon University). Nash lấy bằng thạc sĩ ở tuổi 20 (năm 1948) và chuẩn bị làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trong 4 trường đại học đồng thời nhận anh: Harvard, Princeton, Chicago và Michigan. Trong thư giới thiệu Nash đi học tiếp, GS Duffin viết: He is a mathematical genius (Người này là một thiên tài toán học). Nhận xét ấy khiến ông Solomon Lefschetz Chủ nhiệm khoa Toán ĐH Princeton hết sức quan tâm. Ông lập tức viết thư mời Nash sớm đến Princeton và hứa cấp cho anh học bổng John S. Kennedy trị giá 1150 USD. John Nash nhanh chóng trở thành ngôi sao mới trên bầu trời Princeton. Trong hai năm 1950 và 1951, Nash công bố mấy bài báo khoa học, trong đó có 2 bài quan trọng: Điểm cân bằng trong trò chơi N người (Equilibrium Points in N-person Games) và Trò chơi bất hợp tác (Non-cooperative Games). Anh đề xuất và định nghĩa khái niệm Cân bằng bất hợp tác (Non-cooperative equilibria, sau này gọi là Cân bằng Nash, Nash equilibrium), một đột phá khuôn khổ của Trò chơi kết cục zero (zero-sum game). Lý thuyết trò chơi hiện nay thường nói chính là lý thuyết trò chơi bất hợp tác; nó trở thành công cụ đắc lực để phân tích tình thế kinh tế trong cạnh tranh thương mại và đàm phán thương mại. Nhà kinh tế học phát triển Robert M. Solow (Nobel kinh tế 1987) nói chính là nhờ cống hiến của Nash mà lý thuyết trò chơi trở thành lý thuyết đầy sức sống dùng để phân tích kinh tế hiện đại. Lý thuyết này nghiên cứu hành vi tương tác sách lược của mọi người. Nó nghiên cứu làm thế nào để trong nền kinh tế thị trường, con người có thể tự nguyện đưa ra những quy chế hữu hiệu được mọi người tuân theo và thực hành, nhằm tăng tiến cơ chế phúc lợi của xã hội. Nó là cơ sở để giúp con người hiểu biết sâu sắc các hành vi kinh tế và các vấn đề xã hội, vì thế nó được ứng dụng ngày một nhiều trong kinh tế học cũng như nhiều ngành khoa học xã hội-nhân văn khác, chẳng hạn chính trị học. Lý thuyết trò chơi ngày nay đã trở thành một phương pháp nghiên cứu dùng trong toàn bộ ngành khoa học xã hội. Các nghiên cứu nói trên được tập hợp trong bản luận án tiến sĩ 28 trang của Nash viết về lý thuyết Trò chơi bất hợp tác và trở thành căn cứ khoa học để hơn 40 năm sau Nash được trao giải Nobel kinh tế (năm 1969 mới thành lập giải này). 2. Bệnh tật biến thiên tài Toán học thành người tâm thần Năm 1957, ông cưới Alicia Larde, sinh viên ngành vật lý ở M.I.T, con gái gia đình Trung Mỹ quý tộc và là một trong 16 nữ sinh khóa 1955. Tuy nhiên, đầu năm 1959, khi vợ đang mang thai con trai, tiến sĩ Nash bắt đầu gặp vấn đề về tâm thần. Trí thông minh sắc sảo của ông dần trở nên “ác tính”, khiến ông hoang tưởng - triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Nash bị ám ảnh với các con số và tin rằng các tờ báo xuất bản thông điệp mã hoá từ ngoài hành tinh mà chỉ ông mới có thể đọc được. Đến tháng 4, ông nhập viện McLean, vào khoa tâm thần. Đây là bước đầu tiên trên chặng đường trượt dốc của nhà toán học thiên tài. Các đợt điều trị ngày một nhiều hơn. Các cơ sở tâm thần và liệu pháp châm cứu đều thất bại trong việc chữa trị cho ông. Trong suốt ba mươi năm tiếp theo, ông đi lang thang tại khuôn viên trường Princeton, được biết đến như một người cô độc viết những công thức không thể hiểu nổi trên những tấm bảng đen ở Fine Hall, nơi ông từng “biểu diễn” những thành tựu toán học đáng kinh ngạc. Tình trạng không ổn định khiến “thiên tài toán học bị điên” này không thể tiếp tục công việc như trước, tiến sĩ Nash đã biến mất khỏi giới chuyên môn. Nhiều người được truyền tai một cách sai lệch rằng ông đã trải qua cuộc phẫu thuật thùy não. Những người khác, chủ yếu là bên ngoài Princeton, đơn giản cho rằng ông đã chết. 3. Đạt giải Nobel ở tuổi xế chiều Dù bệnh tật, tiến sĩ Nash may mắn được các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và bạn bè bảo vệ. Bà Alicia ly hôn với ông vào năm 1963, nhưng tiếp tục dang tay giúp đỡ, đón ông về nhà bà sống vào năm 1970. Cả hai kết hôn lần hai vào năm 2001. Bà Nash hỗ trợ chồng và nuôi con trai bằng nghề lập trình viên máy tính, với sự trợ giúp tài chính từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trường Princeton và các bạn đồng nghiệp đều thông cảm tìm cách giúp Nash có thu nhập để đỡ đần Alicia.Người quản lý phòng máy tính đã cho Nash dùng tài khoản máy tính của mình, nhờ đó ông học được cách sử dụng máy. Trong 30 năm Nash đau ốm, công nghệ máy tính đã được cải tiến cực nhiều, bởi vậy những giờ làm việc trên công cụ trí tuệ kỳ diệu này đã có tác dụng tích cực giúp Nash bớt dần chứng hoang tưởng. Rốt cuộc chuyện thần kỳ đã xảy ra: bệnh tình của Nash thuyên giảm dần. Quá trình ấy diễn ra rất chậm; từ cuối thập niên 80, ông bắt đầu trò chuyện một cách tỉnh táo với mọi người, làm quen một số nghiên cứu sinh, thậm chí có thể bàn bạc vài vấn đề toán học có ý nghĩa. Các hoạt động này của Nash đã tạo tiền đề để Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển có lý do chú ý tới ông khi họ xét trao giải Nobel kinh tế cho lý thuyết trò chơi bất hợp tác mà ông là một tác giả đầu tiên. Vào đầu thập niên 1990, khi Ủy ban Nobel bắt đầu tìm gặp tiến sĩ Nash để điều tra khả năng trao giải Nobel Kinh tế, bệnh tình của ông lắng xuống. Đồng nghiệp thuyết phục được rằng tiến sĩ Nash đủ sức khỏe, đồng thời bảo vệ ông khi một số người đặt câu hỏi về việc một người đàn ông bị mắc chứng rối loạn tâm thần trầm trọng là chủ nhân giải Nobel. John Nash chia sẻ giải thưởng cao quý này với hai nhà kinh tế, C. Harsanyi thuộc Đại học California tại Berkeley (Mỹ), và Reinhard Selten thuộc Đại học Bonn (Đức) năm 1994 vì những nghiên cứu độc lập về cùng một vấn đề. Giải Nobel, sự vinh danh công khai với thế giới đến khi Nash ở tuổi xế chiều, như một bước ngoặt của cuộc đời ông. Ông tiếp tục làm việc, diễn thuyết tại các hội nghị và cố gắng xây dựng một lý thuyết mới cho các trò chơi hợp tác. Năm 2015, ông giành giải toán học Abel cùng với một nhà toán học người Mỹ khác là Louis Nirenberg cho những đóng góp lớn và nền tảng liên quan đến lý thuyết phương trình đạo hàm riêng phi tuyến và ứng dụng của nó cho ngành giải tích hình học. Cuộc đời chìm nổi thần kỳ của thiên tài toán học John Nash cùng lòng nhân ái vô biên của Alicia và ĐH Princeton làm xúc động cho hàng triệu độc giả, khán giả trên thế giới về lòng can đảm khi đối mặt với muôn vàn thử thách thông qua cuốn tiểu thuyết thể loại truyện ký có tên Một Tâm Hồn Đẹp (A Beautiful Mind) dày hơn 400 trang, phát hành năm 1998 của bà Sylvia Nasar. Năm 2002, Sylvia Nasar cùng nhà biên kịch Akiva Goldsman cải biên tiểu thuyết Một Tâm hồn Đẹp thành kịch bản điện ảnh, sau đó đạo diễn Ron Howard dựng thành phim cùng tên. Phim Một Tâm hồn đẹp được trao giải Oscar lần thứ 74. Nguồn tham khảo: Internet
|