Những kỹ năng cần thiết để sinh viên học tốt phần thí nghiệm Vật lý ứng dụng
- Thứ năm - 03/03/2022 10:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đối với mỗi sinh viên khi đã quyết định con đường nghề nghiệp tương lai gắn liền với các hoạt động công nghệ, kỹ thuật thì việc trang bị những kiến thức cơ bản của Vật lý là một nhiệm vụ không thể thiếu.
Vật lý là một môn học được giảng dạy từ bậc Trung học cơ sở, đến Trung học phổ thông và cao hơn là các trường chuyên nghiệp. Nếu xem môn học này như một trục thẳng đứng xuyên qua các cấp học thì các nội dung của học phần gồm các chủ đề lớn Cơ, Nhiệt, Điện, Quang cũng bám theo trục trên và lặp lại ở các cấp học. Tuy nhiên, đó chỉ là lặp vấn đề còn nội dung nghiên cứu đã thay đổi, sự thay đổi theo hướng đào sâu, mở rộng kiến thức. Do đó những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng ở mức cao hơn. Tại các trường đại học có đào tạo các ngành kỹ thuật thì học phần Vật lý là học phần bắt buộc, tùy thuộc vào yêu cầu của các ngành nghề đào tạo mà học phần Vật lý được xây dựng theo hướng Vật lý đại cương hay Vật lý ứng dụng. Vật lý là môn học kết nối những kiến thức toán học với kỹ thuật và đời sống, là nền tảng cơ bản để người học lĩnh hội các kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. Lớp DDK12 CDT trong giờ thí nghiệm VLUD D1
Thực hành vật lý hoặc thí nghiệm vật lý là một hoạt động, một nhiệm vụ mà mỗi người học phải thực hiện khi học tập môn Vật lý, hoạt động này diễn ra ngay khi môn Vật lý được đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động này ở các cấp học ở trung học thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh rất sợ môn Vật lý, học Vật lý một cách đối phó.Nhận thức được vai trò của học phần Vật lý đối với các ngành học mang tính công nghệ, kỹ thuật mà các trường đại học khi xây dựng chương trình đào tạo luôn đưa Vật lý vào danh mục học phần bắt buộc đối với các ngành này. Bên cạnh việc học lý thuyết thì phần thí nghiệm vật lý cũng được quan tâm. Thông qua phần thí nghiệm người học sẽ được đi lại con đường của các nhà khoa học đã từng thực hiện, để kết nối kiến thức với thực tiễn, hình thành năng lực nghiên cứu, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề. Mặc dù vậy việc học phần Thí nghiệm vật lý đối với không ít sinh viên vẫn chưa thực sự hiệu quả, việc học vẫn mang tính đối phó dẫn đến áp lực học tập lớn. Vậy mỗi sinh viên cần làm gì? Cần trang bị những kỹ năng gì để học tập hiệu quả phần Thí nghiệm vật lý. Chúng ta đều biết mỗi học phần khi được xây dựng sẽ đảm nhiệm một chức năng nhất định trong việc hình thành năng lực nghề nghiệp của người học trong tương lai, môn Vật lý cũng vậy. Với chức năng là học phần đại cương có chức năng hình thành cho người học những nỗi dung kiến thức vật lý nền tảng để tiếp thu các học phần khác, đồng thời xây dựng kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thực hiện công việc theo quy trình, kỹ năng đo lường và xử lý số liệu. Để hình thành những kỹ năng này thì việc học tập hiệu quả phần Thí nghiệm vật lý là rất quan trọng. Cần làm gì để học tập tốt phần Thí nghiêm vật lý? Đọc hiểu là một kỹ năng cần thiết đối với mỗi người học. Bước 1: Đọc mục đích của bài thí nghiệm. Bước 2: Đọc lướt phần Cơ sở lý thuyết và dụng cụ thí nghiệm. Bước 3: Đọc kỹ phần trình tự thí nghiệm. Bước 4: Đọc báo cáo thí nghiệm để xác định các dự liệu cần lấy. Việc đọc sách nói chung hay đọc giáo trình nói riêng muốn hiệu quả thì bạn phải tóm tắt được nội dung cốt lõi. Đối với các bài thí nghiệm thì việc sơ đồ hóa nội dung các bước trong phần trình tự thí nghiệm là rất quan trọng. Việc tóm tắt nội dung có thể thực hiện dưới nhiều dạng khác nhau như: Gạch ý, sơ đồ cây, sơ đồ tư duy, …. Việc sơ đồ hóa các bước trình tự sẽ giúp người học có cái nhìn tổng thể về các hoạt động cần làm trước khi tiến hành thí nghiệm. Sơ đồ tư duy các loại sai số Trong quá trình làm thí nghiệm, để đảm bảo việc làm thí nghiệm diễn ra chính xác, nhanh thì đòi hỏi khâu tổ chức, phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm là cần thiết. Các thành viên sau khi nhận nhiệm vụ từ trưởng nhóm sẽ tiến hành phối hợp các hoạt động để tiến hành thí nghiệm, lấy số liệu. Nếu hoạt động nhóm không hiệu quả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả của buổi làm thí nghiệm. Sau khi thực hiện các thao tác kết nối và hiệu chỉnh thiết bị cẩn thận, nhóm sẽ tiến hành lấy số liệu và ghi vào báo cáo. Để các số liệu lấy được chính xác thì người đọc số liệu cần thực hiện chuẩn các thao tác tránh mắc phải các lỗi dẫn đến sai số hệ thống và sai số ngẫu nhiên. Các số liệu trước khi ghi vào bảng phải được chuẩn định dạng, đặc biệt chú ý số liệu ghi nhận chỉ là bội của độ chia nhỉ nhất, số lượng các số liệu phải tuân thủ yêu cầu, không lấy thừa hoặc thiếu. Các số liệu sau khi được lấy và ghi nhận vào báo cáo sẽ được các thành viên xử lý độc lập. Để xử lý số liệu đảm bảo yêu cầu mỗi sinh viên cần có một số kỹ năng sau: Đầu tiên, thực hiện chính xác các bước xử lý cơ bản như trị trung bình, sai số tuyệt đối lần đo, sai số ngẫu nhiên, sai số tuyệt đối của phép đo. Cuối cùng, viết kết quả đo. Quy định cơ bản của viết quả đo là viết sai số của phép đo trước, sau đó viết giá trị trung bình. Sai số của phép đo thường được lấy không vượt qua hai chữ số có nghĩa. Giá trị trung bình phải được viết cùng định dạng với sai số tuyệt đối của phép đo. Tóm lại, khi người học có được các kiến thức, kỹ năng cơ bản như trên thì việc học tập phần Thí nghiệm vật lý sẽ hiệu quả và hấp dẫn hơn. |