Những chú ý khi thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
- Thứ tư - 02/05/2018 14:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Theo như đánh giá thì đề năm nay khá hay và đòi hỏi thí sinh cần nắm vững kiến thức sâu rộng. Đặc biệt đề có cả kiến thức lớp 11 ( 30%) và kiến thức lớp 12(70%). Nội dung kiến thức trong đề thi môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 gồm 2 lĩnh vực:
Lĩnh vực giải tích bao gồm các mảng kiến thức về: Hàm số và ứng dụng; Mũ và Logarit; Nguyên hàm – tích phân; Số phức
Lĩnh vực hình học gồm các kiến thức về: Khối đa diện; Mặt cầu, mặt trụ, mặt nón; Phương pháp tọa độ không gian
Để có kỳ thi THPT quốc gia 2018 hiệu quả các sĩ tử cần chú ý các vấn đề sau:
1. Ôn thi hiệu quả
Theo cấu trúc của tất cả các bài thi: 60% (6 điểm) là kiến thức cơ bản. Vì thế, các em đặc biệt đề cao kiến thức sách giáo khoa. Bám sát hình thức và nội dung các đề mẫu trong ba đợt của Bộ GD&ĐT. Liệt kê các nội dung còn thiếu, còn yếu và sắp xếp thời gian ôn tập thêm. Đề thi được bảo mật tuyệt đối. Thí sinh cần thận trọng với các thông tin tràn lan trên mạng, tránh gây hoang mang, mất tinh thần.
Tránh xa các lớp cấp tốc, tránh việc chạy xô tối ngày, vất vả mà không có hiệu quả. Thời điểm này, việc tự ôn tập mới là quan trọng nhất.
Sử dụng thành thạo máy tính Casio.
Cần sắp xếp thời gian ôn thi, nghỉ ngơi và thư giãn khoa học, hợp lí. Tránh thức quá khuya, ôn thi theo kiểu "hành xác".
Trước kỳ thi một ngày, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, đồ dùng cần thiết và cho vào một túi clear bag (Bút bi, bút chì, tẩy, compa, thước kẻ, giấy báo dự thi, CMND, đồng hồ, máy tính). Đi ngủ sớm (nên ngủ trước 22h). Đặt báo thức hoặc nhờ người nhà gọi dậy. Nên có người đưa đến địa điểm thi.
2. Có chiến lược làm bài thi trắc nghiệm môn Toán
Đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó nên thí sinh cứ làm lần lượt từ câu 1 đến câu 50. Làm một lượt cả đề, với những câu dễ, chắc chắn về đáp án có thể khoanh luôn. Cố gắng làm nhanh (khoảng 1 - 1,5 phút) nhưng không làm ẩu, chỉ nháp nếu cần thiết.
Gặp câu khó, đừng quá mất thời gian mà hãy tạm bỏ qua và chuyển sang làm câu khác. Sau khi làm xong một lượt đề thi thì mới quay lại để làm tiếp câu đó. Làm được điều này sẽ giúp các em không bị bỏ sót và mất điểm ở những câu dễ do đã mất nhiều thời gian cho câu khó. Nên nhớ, dù là câu khó hay câu dễ thì thí sinh chỉ có thể được tối đa 0,2 điểm cho 1 câu. Với những câu khó: Có thể dành nhiều thời gian hơn. Phối hợp các phương pháo khác nhau. Đưa về trường hợp đặc biệt. Thử các trường hợp của đáp số. Sử dụng máy tính hỗ trợ. Tăng cường rèn luyện các dạng bài mà sử dụng kỹ năng loại trừ để tìm ra được đáp án.
Cần đọc đề nhanh, bắt được ý chính, và tìm mối liên hệ giữa các dữ liệu với nhau.
Ngoài việc tô vào phiếu TLTN thí sinh cần đánh dấu vào đề thi để so đáp án, tự chấm.
Nên cầm bút chì ở tay phải và tay trái cầm tẩy, rèn việc tô và tẩy cho thành thạo, trơn tru.
Đối với các câu hình học ở mức độ đơn giản cần hạn chế vẽ hình và nếu phải vẽ thì cũng không cần vẽ quá cầu kỳ vì sẽ rất tốn thời gian, cố gắng tưởng tượng là chính. Chỉ nên dùng bút chì và vẽ bằng tay. Tính toán ngay ở trên hình. Hạn chế viết nhiều, dùng ký hiệu hay trình bày như tự luận.
Do đáp án không chia đều về số lượng các phương án A, B, C, D nên việc chỉ tô 1 phương án hay tô ngẫu nhiên là không hiệu quả. Thí sinh cần “lao động” để việc chọn đáp án có xác suất đúng cao nhất có thể. Thí sinh không nên đầu hàng trước khi hết giờ làm bài. Cần chiến đấu nhiệt tình đến phút thứ 90, chỉ nộp bài khi giám thị yêu cầu.
3. Cần tránh tránh các lỗi sau:
Đọc không kỹ đề bài: Đây là lỗi nguy hiểm, chẳng hạn đề yêu cầu tìm mệnh đề sai nhưng thí sinh lại đi tìm mệnh đề đúng. Đề cho đồ thị của f’(x) lại nhầm thành đồ thị của f(x). Thí sinh nên có thói quen gạch chân các từ quan trọng trong đề.
Nhầm lẫn các khái niệm, các tính chất: chẳng hạn, thí sinh cho rằng hình chóp đều thì có tất cả các cạnh bằng nhau. Thí sinh nên học kỹ các khái niệm cơ bản. Phân biệt các tính chất hay nhầm.
Xét không hết các trường hợp: Ví dụ như hệ số có tham số (xét bằng 0, khác 0), nghiệm của mẫu số cũng là nghiệm của tử số,... Thí sinh nên thường xuyên tự hỏi: Liệu kết quả có đáng tin cậy? Còn trường hợp nào khác không?
Không đặt điều kiện: Lỗi này thường dẫn đến việc thừa nghiệm của phương trình, bất phương trình. Thí sinh nên có thói quen đặt điều kiện và giải đúng điều kiện trước khi biến đổi biểu thức đại số.
Biến đổi sai, tính toán sai: Như chuyển vế không đổi dấu, bình phương không tương đương, không quan tâm đến cơ số khi giải bất phương trình mũ,... Để khắc phục, thí sinh nên có thói quen biến đổi 2 lần, kiểm tra lại tính toán ngay lúc đấy hoặc thử lại bằng máy tính.
Ngộ nhận về kết quả tổng quát khi mới biết trường hợp riêng:Ví dụ như, khi giải phương trình, thí sinh “mò” được 1 nghiệm và vội vã kết luận ngay, trong khi có thể còn thiếu nghiệm.
Bấm máy tính sai: Chẳng hạn như bị thiếu dấu ngoặc hay để nhầm đơn vị góc là độ trong khi cần đơn vị là radian. Thí sinh luôn luôn quan sát kỹ phần nhập vào trên máy tính, chỉ khi tin cậy rồi mới bấm ra kết quả.
Phân bổ thời gian không hợp lý: Quá sa đà vào câu khó, làm mất thời gian của các câu khác. Mỗi câu khó cũng chỉ là 0,2 điểm. Có lẽ không nên dùng quá 6 phút cho một câu, dù là khó.
Không tô hết 50 câu: Dù làm được hay không cũng nên tô hết 50 câu trong phiếu TLTN. Áp dụng phương châm “tô nhầm còn hơn bỏ sót”. Tô mờ, tô sót hoặc tô 2 ô là những lỗi đáng tiếc cần tránh. Thí sinh nên dùng bút chì phù hợp, khi tô thì tô kín ô, khi tẩy thì tẩy sạch.