Khoa Khoa học cơ bản - trường ĐH Sao Đỏ

http://khoahoccoban.saodo.edu.vn


GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC TRỰC TUYẾN THÍCH ỨNG VỚI DỊCH COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, như các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục cũng chịu sự tác động nặng nề, học sinh, sinh viên trong các tỉnh thành trong cả nước chịu nhiều thiệt thòi khi phải tạm dừng đến trường.
Trước bối cảnh đó, ngành Giáo dục đã nỗ lực ứng phó, chủ động, tích cực điều chỉnh phương thức dạy học và kiểm tra đánh giá để thích ứng, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, đã có những ý kiến đánh giá trái chiều về chất lượng dạy và học theo phương thức này.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), dạy học trực tuyến là hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và các trường đại học thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục. Mô hình dạy học mới được áp dụng tiêu biểu là “đào tạo trực tuyến” là một trong những giải pháp tối ưu có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong học tập, giảng dạy và thuận lợi trong đào tạo nhiều cấp học và những mặt tích cực mà phương pháp này mang lại trong quá trình giảng dạy và học tập.
Dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục phổ biến nhiều quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều trường học được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, còn có một số giáo viên, học sinh là F0 đang điều trị tại nhà hoặc khu cách ly hay bệnh viện. Chính vì thế hình thức dạy học trực tuyến là một lựa chọn phù hợp và được quan tâm nhất của đội ngũ nhà giáo. Làm thế nào để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả nhất đang là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ và học sinh quan tâm.

Đối với Nhà trường: Xây dựng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn.
Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh, sinh viên để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh, sinh viên học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp.
Điều tra, khảo sát học sinh, sinh viên khả năng đáp ứng yêu cầu học trực tuyến về thiết bị học tập, tâm thế chuẩn bị học tập nhất là học sinh, sinh viên vùng cao, vùng khó khăn, cần trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ thuật để duy trì sự hứng thú, sự tập trung trong học tập trực tuyến cũng như cách thức cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất trong bối cảnh học tập trực tuyến.
vân 4
 
vân 2

Đối với giảng viên, giáo viên: Tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua zoom, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email... Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận.
Giáo viên dành thời gian thiết lập các mối quan hệ, làm quen kết nối với học sinh, sinh viên. Chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. Giáo viên luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập. 
Với cha mẹ học sinh, sinh viên: Cha mẹ luôn đồng hành, làm tốt công tác tư tưởng cho các em đối với việc học trực tuyến để các em hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế để tiếp cận phương pháp này nên tạo không gian yên tĩnh, cố định, sắp xếp đồ dùng học tập gọn gàng và dễ lấy khi cần.
Điều quan trọng cha mẹ và gia đình cần rèn nền nếp học tập tự lập, động viên, khen ngợi tạo sự hưng phấn trong học tập cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, cha mẹ còn phải chủ động tìm hiểu công nghệ thông tin, phương pháp sư phạm giúp các em sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị học trực tuyến. Thường xuyên, cập nhật kiến thức chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch, tạo bầu không khí tâm lý thoải mái trong gia đình. Hướng dẫn các em hoạt động nhẹ nhàng như vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, thú cưng...
Đối với học sinh, sinh viên: Cần chuẩn bị tâm lý, tâm thế sẵn sàng, trang phục nghiêm túc khi tham gia học trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị học tập quan trọng nhất là điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe và sách giáo khoa.
Học sinh, sinh viên cần chọn cho mình góc học tập, không gian yên tĩnh thoải mái phù hợp với ngôi nhà của mình. Trong quá trình học tập cần chú ý lắng nghe, tham gia thảo luận và đóng góp tích cực vào bài học. Để làm được như vậy học sinh cần chủ động đọc bài, soạn bài trước mỗi tiết học, buổi học. Tập thói quen lên lớp trước 10 phút để chào hỏi làm quen thầy, cô và các bạn tạo mối quan hệ thân thiện trong lớp học.
vân 3
 
vân 1

Ngoài ra, học sinh, sinh viên tạo nhóm học tập trên Zalo, Facebook để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học và tham gia vận động, lao động nhẹ nhàng đi ngủ đúng giờ, đảm bảo đủ 8 tiếng, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe học tập. Đặc biệt, rèn luyện khả năng tự lập trong học tập. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị gây ảnh hưởng đến giờ học. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức.
Cách dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Để hoạt động dạy học thực sự chất lượng, trước mắt giáo viên và học sinh phải thay đổi, thích nghi và tìm ra các cách dạy học trực tuyến hiệu quả, tối ưu nhất. Hy vọng trong tương lai, hình thức dạy học trực tuyến sẽ thực sự trở thành xu thế để thế hệ trẻ có thể tiếp cận cách học mới, giáo dục các em học sinh trở thành người công dân toàn cầu.
 

Tác giả bài viết: Đào Thị Vân - KHCB

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây